Điều Kiện Cần Và Đủ Để Tiến Hành Sáp Nhập Doanh Nghiệp

Sáp nhập doanh nghiệp là hình thức diễn ra phổ biển trên thế giới. Ở tại Việt Nam sát nhập doanh nghiệp thường diễn ra giữa các ngân hàng nhỏ với nhau hoặc giữa các công ty, tập đoàn kinh tế, đặc biệt gần đây có một sự kiện sáp nhập tạo nên được khá nhiều sự chú ý của dư luận đó là sự kiện sáp nhập giữa Grab và Uber. Vậy sáp nhập doanh nghiệp là gì? Thủ tục sáp nhập doanh nghiệp như thế nào? Công ty luật Á châu chúng tôi xin được tư vấn một số vấn đề cơ bản về sát nhập doanh nghiệp.
Sáp nhập doanh nghiệp là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 195 Luật Doanh nghiệp 2014 thì sáp nhập doanh nghiệp là: “Một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.”
Căn cứ theo khoản 2 Điều 29 Luật cạnh tranh 2018 về “Sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.”
Như vậy, sáp nhập doanh nghiệp là giao dịch trong đó một hoặc một số doanh nghiệp từ bỏ pháp nhân của mình để gia nhập vào một doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp nhận sáp nhập sẽ tiếp nhận toàn bộ tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của doanh nghiệp bị sáp nhập. Sau khi việc sáp nhập hoàn thành doanh nghiệp bị sáp nhập sẽ chấm dứt sự tồn tại của mình.
Các đặc trưng cơ bản của sáp nhập doanh nghiệp là gì?
Các đặc trưng cơ bản của sáp nhập doanh nghiệp để phân biệt được với các hình thức khác như hợp nhất, mua lại, liên doanh,… bao gồm:
Chủ thể liên quan trong quá trình sáp nhập doanh nghiệp gồm: công ty bị sáp nhập và công ty nhận sáp nhập.
Hình thức sáp nhập doanh nghiệp: Các công ty bị sáp nhập mang toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của mình chuyển sang cho công ty nhận sáp nhập.
Hậu quả pháp lý: Doanh nghiệp bị sáp nhập chấm dứt tồn tại: Thời điểm pháp lý chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập chính là khi hoàn thành đăng ký doanh nghiệp với công ty nhận sáp nhập. Không tạo ra doanh nghiệp “mới” trên danh nghĩa mà vẫn duy trì doanh nghiệp nhận sáp nhập với quy mô vốn thường lớn hơn
Trách nhiệm pháp lý của công ty được hợp nhất hoặc sáp nhập: Các công ty bị sáp nhập chuyển toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ của mình sang cho công ty nhận sáp nhập.
Quyền quyết định: Chỉ công ty nhận sáp nhập được quyền quyết định, điều hành và quản lý.
Đăng ký doanh nghiệp: Công ty nhận sáp nhập tiến hành đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
Cần có điều kiện gì để các doanh nghiệp có thể tiến hành sáp nhập?
Trường hợp sáp nhập mà theo đó công ty nhận sáp nhập có thị phần từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của công ty thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành sáp nhập và cấm các trường hợp sáp nhập các công ty mà theo đó công ty nhận sáp nhập có thị phần trên 50% trên thị trường có liên quan, trừ trường hợp Luật cạnh tranh có quy định khác.
Một số trường hợp hạn chế sáp nhập khác được quy định tại Điều 30, 31 Luật Cạnh tranh, theo đó doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam. Cụ thể, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của việc tập trung kinh tế căn cứ vào một trong các yếu tố hoặc kết hợp giữa các yếu tố sau đây:
– Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan;
– Mức độ tập trung trên thị trường liên quan trước và sau khi tập trung kinh tế;
– Mối quan hệ của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định hoặc ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau;
– Lợi thế cạnh tranh do tập trung kinh tế mang lại trên thị trường liên quan;
– Khả năng doanh nghiệp sau tập trung kinh tế tăng giá hoặc tăng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu một cách đáng kể;
– Khả năng doanh nghiệp sau tập trung kinh tế loại bỏ hoặc ngăn cản doanh nghiệp khác gia nhập hoặc mở rộng thị trường;
– Yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.
Các thủ tục nào để các doanh nghiệp có thể tiến hành sáp nhập doanh nghiệp?
Căn cứ theo cơ sở pháp lý của thủ tục sáp nhập doanh nghiệp là Luật Doanh nghiệp năm 2014, thủ tục sáp nhập doanh nghiệp bao gồm:
Bước 1: Các công ty liên quan chuẩn bị hợp đồng sáp nhập và dự thảo Điều lệ công ty nhận sáp nhập. Hợp đồng sáp nhập phải có các nội dung chủ yếu sau:
+ Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty nhận sáp nhập;
+ Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị sáp nhập;
+ Thủ tục và điều kiện sáp nhập;
+ Phương án sử dụng lao động;
+ Cách thức, thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty nhận sáp nhập;
+ Thời hạn thực hiện sáp nhập;
Bước 2: Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của các công ty liên quan thông qua hợp đồng sáp nhập, Điều lệ công ty nhận sáp nhập và tiến hành đăng ký doanh nghiệp công ty nhận sáp nhập theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Trong trường hợp này, hồ sơ đăng ký kinh doanh phải kèm theo hợp đồng sáp nhập. Hợp đồng sáp nhập phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày thông qua. Hồ sơ sáp nhập bao gồm các nội dung sau:
+ Hợp đồng sáp nhập (theo quy định tại Điều 153 Luật Doanh nghiệp)
+ Biên bản họp Hội đồng thành viên/cổ đông Công ty bị sáp nhập và Công ty nhận sáp nhập về việc sáp nhập Công ty, trường hợp có thay đổi đăng ký kinh doanh cần nêu rõ nội dung sẽ thay đổi, bổ sung, lưu ý đến ngành nghề kinh doanh có điều kiện khi sáp nhập Công ty.
+ Quyết định của Hội đồng thành viên/hội đồng cổ đông/chủ sở hữu (đối với Công ty TNHH một thành viên) Công ty bị sáp nhập và Công ty nhận sáp nhập về việc sáp nhập Công ty
+ Bản gốc chứng nhận đăng ký kinh doanh Công ty nhận sáp nhập và công ty bị sáp nhập
+ Thông báo thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh Công ty nhận sáp nhập
+ Đề nghị sáp nhập doanh nghiệp (có mẫu kèm theo)
+ Bản điều lệ Công ty nhận sáp nhập đã sửa đổi, bổ sung
+ CMND hoặc hộ chiếu thành viên/cổ đông công ty/ chủ sở hữu công ty
+ Hồ sơ khác nếu có (liên quan đến chuyển nhượng, điều chỉnh tỷ lệ vốn góp do chuyển đổi vốn góp của thành viên/cổ đông/chủ sở hữu Công ty khi sáp nhập).
Bước 3: Nộp hồ sơ:
+ Nộp hồ sơ sáp nhập doanh nghiệp tới Sở Kế hoạch và đầu tư;
+ Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ,bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ra phiếu nhận và hẹn ngày trả kết quả;
+ Nếu hồ sơ chưa đúng, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả yêu cầu bổ sung;
+ Nếu hồ sơ thiếu: bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ra văn bản yêu cầu bổ sung.
Bước 4: Trả kết quả
Công ty sáp nhập có quyền và nghĩa vụ gì trong việc sáp nhập doanh nghiệp?
Sau khi đăng ký doanh nghiệp, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập.

 

 

 

 

Tin Liên Quan