THẨM QUYỀN KÍ KẾT HỢP ĐỒNG TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN

        Hiện nay các thành phần kinh tế càng đa dạng, phong phú. Hợp đồng thương mại trở thành phương tiện phục vụ cho mục đích kinh doanh trên nguyên tắc các chủ thể tự nguyện, bình đẳng với nhau. Cho nên, thẩm quyền kí kết hợp đồng ở các công ty rất quan trọng bởi một khi người tham gia kí hợp đồng không thuộc thẩm quyền được kí kết hợp đồng của công ty thì hợp đồng đó coi như bị vô hiệu, dẫn đến nhiều hậu quả ảnh hưởng đến các bên của hợp đồng, giao dịch. Để tránh những rủi ro pháp lí xảy ra, hãy cùng Luật Á Châu tìm hiểu về thẩm quyền kí kết hợp đồng trong công ty cổ phần qua bài viết dưới đây:

     1. Căn cứ pháp lí

– Luật doanh nghiệp 2014, có hiệu lực ngày 01/07/2015.

      2. Thẩm quyền kí kết hợp đồng trong công ty

Trước khi tìm hiểu về thẩm quyền kí hợp đồng trong công ty, chúng ta hãy nắm rõ năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân:

       Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự. Đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập nhân danh pháp nhân.

       Do vậy, các cá nhân là đại diện theo pháp luật của công ty hay cá nhân không phải là đại diện theo pháp luật của công ty nhưng được ủy quyền thì đều có thể thay công ty để kí hợp đồng của công ty.

      a, Căn cứ điều 162 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về quyền của Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị với hợp đồng và giao dịch của của công ty:

        Theo đó, với những bản hợp đồng, giao dịch của một công ty cổ phần thì cổ đông, người đại diện ủy quyền của cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ; thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người có liên quan của họ; doanh nghiệp mà thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác và những người có liên quan đến thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác đang sở hữu phần vốn góp là những đối tượng mà người đại diện theo pháp luật của công ty cần phải thông qua sự đồng ý của Đại hội đồng cổ đông hoặc của Hội đồng quản trị công ty trước khi đặt bút kí bản hợp đồng, giao dịch.

      b, Theo khoản 2, khoản 3, Điều 163 Luật doanh nghiệp 2014:

2. Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng và giao dịch có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính, gần nhất hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp này, người đại diện công ty ký hợp đồng phải thông báo các thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó; đồng thời kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị quyết định việc chấp thuận hợp đồng hoặc giao dịch trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một thời hạn khác; thành viên có lợi ích liên quan không có quyền biểu quyết.

3. Đại hội đồng cổ đông chấp thuận các hợp đồng và giao dịch khác ngoài các giao dịch quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp này, người đại diện công ty ký hợp đồng phải thông báo Hội đồng quản trị và Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó; đồng thời kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc thông báo nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị trình dự thảo hợp đồng hoặc giải trình về nội dung chủ yếu của giao dịch tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Trường hợp này, cổ đông có lợi ích liên quan không có quyền biểu quyết; hợp đồng hoặc giao dịch được chấp thuận khi có số cổ đông đại diện 65% tổng số phiếu biểu quyết còn lại tán thành, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác.”

       Điều này có nghĩa là:

– Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng và giao dịch có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty.

– Đại hội đồng cổ đông chấp thuận các hợp đồng và giao dịch khác ngoài các giao dịch quy định tại khoản 2 Điều này. Cổ đông có lợi ích liên quan không có quyền biểu quyết; hợp đồng hoặc giao dịch được chấp thuận khi có số cổ đông đại diện 65% tổng số phiếu biểu quyết còn lại tán thành, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác.

 

      3. Hậu quả khi kí kết hợp đồng mà người đại diện không có thẩm quyền

– Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu và xử lý theo quy định của pháp luật khi được ký kết hoặc thực hiện mà chưa được chấp thuận theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, gây thiệt hại cho công ty;

– Ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

– Người ký kết hợp đồng, cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có liên quan phải liên đới bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó.

Như vậy, cá nhân (có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự) là người đại diện theo pháp luật của công ty hoặc không phải là đại diện nhưng được ủy quyền của công ty là những người có thẩm quyền ký kết hợp đồng trong công ty cổ phần và phải đảm bảo các điều kiện, trường hợp mà pháp luật quy định như đã nêu trên và điều lệ, quy định của công ty.

Trên đây là một số nội dung trao đổi của chúng tôi. Nếu quý khách có nội dung cần trao đổi, xin vui lòng liên hệ lại theo địa chỉ email: achaulaw@gmail.com hoặc số điện thoại 0947.318.318 hoặc 0963.81.84.86. Chúng tôi rất mong được hợp tác và hỗ trợ quý khách.

   Trân trọng!

————-o0o—————

Công ty TNHH Luật Á Châu

VPGD: 262 Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội

SĐT: 0947.318.318 – 0963.81.84.86

Webside: achaulaw.com.vn

Email: achaulaw@gmail.com

Bạn hãy gọi chúng tôi bất kể khi nào bạn cần!

 

 

Tin Liên Quan