XỬ LÝ HÀNH VI XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ BẰNG BIỆN PHÁP HÀNH CHÍNH

Luật Sở hữ trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009 quy định chi tiết về áp dụng biện pháp hành chính xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như sau:

  1. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt hành chính

Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây bị xử phạt hành chính:

– Thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội;

– Không chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mặc dù đã được chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thông báo bằng văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi đó;

– Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 213 của Luật Sở hữu trí tuệ hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;

– Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán vật mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.

  1. Các hình thức xử phạt hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả

Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ  nêu trên bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

– Cảnh cáo;

– Phạt tiền.

Tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

– Tịch thu hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ;

– Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm.

Ngoài ra tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả , cụ thể:

– Buộc tiêu huỷ hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ;

– Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hoá quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc buộc tái xuất đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ các yếu tố vi phạm trên hàng hoá.

Lưu ý: Mức tiền phạt được ấn định ít nhất bằng giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được và nhiều nhất không vượt quá năm lần giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được.

  1. Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính

Trong các trường hợp sau đây, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính, đó là:

– Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có nguy cơ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội;

– Tang vật vi phạm có nguy cơ bị tẩu tán hoặc cá nhân, tổ chức vi phạm có biểu hiện trốn tránh trách nhiệm;

– Nhằm bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính được áp dụng theo thủ tục hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:

– Tạm giữ người;

– Tạm giữ hàng hoá, tang vật, phương tiện vi phạm;

– Khám người;

– Khám phương tiện vận tải, đồ vật; khám nơi cất giấu hàng hoá, tang vật, phương tiện vi phạm về sở hữu trí tuệ;

– Các biện pháp ngăn chặn hành chính khác theo quy định của pháp luật về xử l‎ý vi phạm hành chính.

BÀI VIẾT THAM KHẢO:

Sở hữu trí tuệ

Biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu

Tin Liên Quan