GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP LÀ GÌ?

Giải thể doanh nghiệp là gì?

Cụm từ “Giải thể doanh nghiệp” là một cụm từ được sử dụng tương đối nhiều và phổ biến khi một doanh nghiệp muốn chấm dứt hoạt động kinh doanh của mình. Nhưng không phải ai cũng hiểu chi tiết và hiểu đúng về Giải thể doanh nghiệp. Thế nào là giải thể doanh nghiệp? Các trường hợp doanh nghiệp được phép tiến hành giải thể. Và hậu quả pháp lý của việc giải thể là gì? Sau đây, Luật Á châu xin giải đáp các câu hỏi xung quanh “Giải thể doanh nghiệp là gì?”

Cơ sở pháp lý: Luật Doanh nghiệp năm 2014

I. Thế nào là Giải thể doanh nghiệp

Giải thể doanh nghiệp là việc chấm  dứt sự tồn tại và hoạt động của một doanh nghiệp, công ty theo ý chí của doanh nghiệp và sự can thiệp của cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt.

II. Các trường hợp phải tiến hành giải thể

Theo quy định tại khoản 1 Điều 201 Luật Doanh nghiệp năm 2014, các trường hợp và điều kiện để tiến hành giải thể bao gồm:

Thứ nhất: Theo tự nguyện

a) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

b) Theo quyết định giải thể của:

  • Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân,
  • Của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh,
  • Của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn,
  • Của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;

Thứ hai: Giải thể bắt buộc theo quy định của pháp luật

a) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;

b) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Lưu ý: Điều kiện để doanh nghiệp được tiến hành giải thể doanh nghiệp

Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp  cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.

III. phân biệt giữa giải thể và phá sản

Theo quy định, cả Giải thể và phá sản đều sẽ chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, giữa hai hình thức này có những điểm khác nhau như sau:

Thứ nhất: Nguyên nhân Giải thể

Là các quy định tại khoản 1 Điều 201 Luật doanh nghiệp năm 2014. Cụ thể là như trình bày tại Phần II của bài viết.

Thứ hai: Thủ tục tiến hành giải thể doanh nghiệp

Thủ tục tiến hành giải thể thường đơn giản và ít phức tạp hơn so với thủ tục phá sản.  Theo quy định tại Điều 202 Luật doanh nghiệp năm 2014, thủ tục tiến hành giải thể bao gồm:

Bước 1: Thông qua quyết định Giải thể doanh nghiệp

Bước 2: Nộp hồ sơ đóng mã số thuế tại cơ quan thuế. Thanh toán toàn bộ các khoản nợ của doanh nghiệp.

Bước 3: Nộp hồ sơ xin giải thể tới Cơ quan đăng ký kinh doanh

Thứ ba: Hậu quả pháp lý

Việc tiến hành giải thể sẽ chấm dứt hoàn toàn hoạt động của công ty. Còn đối với việc tuyến bố phá sản, sẽ xảy ra hai trường hợp. Trường hợp 1, doanh nghiệp sẽ chấm dứt hoàn toàn hoạt  động khi không tiến hành được hội nghị chủ nợ hoặc quyết định của Hội nghị chủ nợ không được thực hiện. Trường hợp 2, tuyến bố phá sản không làm chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể phục hồi hoạt động nếu đảm bảo được nguồn tài nguyên.

Thứ tư: Người đại diện pháp lý của doanh nghiệp có quyền thành lập, hay làm chủ doanh nghiệp khác

Chủ doanh nghiệp, người đại diện pháp luật đã giải thể có thể tiếp tục thành lập doanh nghiệp mới và quản lý một doanh nghiệp khác sau khi thực hiện xong những nghĩa vụ tài sản của mình.

Ngược lại, cả chủ doanh nghiệp và người quản lý của doanh nghiệp, người đại diện pháp luật bị phá sản đều bị pháp luật cấm thành lập doanh nghiệp và quản lý một doanh nghiệp mới trong thời hạn từ 1 đến 3 năm.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin Liên Quan